Chúng ta hay nghe câu tục ngữ ‘Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi’. Vậy câu này có ý nghĩa như thế nào, nó còn đúng trong bối cảnh hiện đại ngày nay?
Người Việt có quan niệm “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” |
SHUTTERSTOCK |
Anh Vương An Nguyên, người sáng lập các cộng đồng về văn hóa nghệ thuật, giảng viên thỉnh giảng tại Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), cho biết câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” mang ý nghĩa về một chút lễ nghi và những liên tưởng đẹp đẽ. Muối là gia vị cần thiết, hay ẩn dụ cho sự mặn mà đời người, vôi thì để sơn phết mới mẻ lại nhà cửa.
Chị Tô Hy, 25 tuổi, đang học thạc sĩ Hán Nôm tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, cũng cho rằng câu tục ngữ “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” có nguồn gốc từ xa xưa, vào đầu năm người ta thường để riêng một nắm muối với một nắm gạo coi như lấy may. Với quan niệm muối mặn, gia đình tình cảm mặn nồng, gạo thì ấm no sung túc. “Cuối năm mua vôi” là vì ngày xưa người ta mua vôi về trữ để ăn trầu, quét lại tường nhà.
|
Mùng 1 tết: Nhìn lại năm Nhâm Dần, đón năm mới Quý Mão nhiều hy vọng mới |
“Tết đến, người xưa quan niệm nhà cửa phải gọn gàng, sạch sẽ, tươm tất mới dám rước ông bà tổ tiên về ăn tết với con cháu. Tục “cuối năm mua vôi” đến nay dường như không còn nữa. Nhưng riêng việc lấy muối và gạo làm may mắn đầu năm thì một số gia đình vẫn giữ. Một số ít gia đình hiện nay còn giữ tục lệ ngày đầu năm mới sẽ bỏ muối, gạo vào các bình riêng, sau đó để lên bàn thờ ông địa. Mỗi năm họ cũng dành riêng một nhúm muối gói lại bỏ trong gác bếp, một nhúm gạo gói lại bỏ trong thùng gạo”, chị Tô Hy nói.
Ai cũng mong những điều may mắn, tốt lành sẽ đến trong năm mới |
PHAN HẬU |
Những giá trị còn mãi, dù thời gian chảy trôi
Theo anh Vương An Nguyên, mọi thứ đều sẽ chảy trôi, biến đổi, nhưng cái ở sâu bên trong văn hóa thì thường khó đổi thay. Nếu chỉ xét câu “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” trong các đối chiếu bối cảnh văn hóa-xã hội thì có người sẽ thấy chúng cũ kỹ, lạc thời. Vì bây giờ còn mấy ai thấy muối quý hiếm hay dùng vôi để phủ phết làm mới lại không gian?
Tuy nhiên, theo anh Nguyên, có những thứ gợi lên trong ca dao tục ngữ sẽ khó thay đổi hơn, đó có thể xem như những gì được gọi là mã văn hóa-tri thức dân gian, những cảm nhận đẹp đẽ về cuộc đời mà tiền nhân đúc kết. Những điều này là chỉ dẫn đúng đắn cho bất kỳ thế hệ nào, bởi vì sau cùng thì tết Nguyên đán vẫn là điều quan trọng với người Việt.
Anh Vương An Nguyên |